Điều gì đã làm nên thành công của Royal Oak? - Những bí quyết không thể sao chép

Thu Huyền

08/12/2020
Kiến thức
Đồng hồ Audemars Piguet

Điều gì đã làm nên thành công của Royal Oak? - Những bí quyết không thể sao chép

Audemars Piguet ngày nay sẽ hoạt động ra sao nếu thiếu đi dòng đồng hồ Royal Oak? Câu hỏi này thật sự khó để trả lời, vì Royal Oak đóng vai trò quá quan trọng đối với thương hiệu. Thậm chí, cái tên Royal Oak còn nổi tiếng hơn cả Audemars Piguet, và đã từng được xem xét để tách ra thành một thương hiệu riêng (giống trường hợp của Grand Seiko và Seiko).

Vậy điều gì đã tạo nên thành công của Royal Oak?

Trong thời điểm ban đầu, việc giới thiệu dòng đồng hồ Royal Oak phải được tính toán cực kỳ cẩn thận. Để cho ra mắt chiếc đồng hồ này vào năm 1972, đội ngũ quản lý của thương hiệu Audemars Piguet đã phải đắn đo rất nhiều. Trong đó, điều đầu tiên khiến họ phải cân nhắc chính về chất liệu chế tác chiếc đồng hồ.

Thiết kế khác thường

Royal Oak là chiếc đồng hồ cao cấp và đắt tiền đầu tiên xuất hiện với bộ vỏ bằng thép. Thời đó, mọi người đều nghĩ rằng thép chỉ là loại vật liệu rẻ tiền, dùng để làm ống nước mà thôi. Một chiếc đồng hồ đắt tiền lại có vỏ bằng thép giống với việc Apple ra một chiếc điện thoại cục gạch với mức giá bằng iPhone 12 vậy.

Bên cạnh chất liệu, kích thước vỏ của chiếc Royal Oak cũng đi ngược lại với số đông. Với đường kính 39mm, chiếc đồng hồ này thật sự quá khổ vào thời điểm đó. Nên nhớ rằng đây là thời điểm gần 50 năm trước, và đồng hồ nam có kích thước trung bình chỉ rơi vào khoảng 33-36mm. Cuối cùng, thiết kế vành bezel bát giác cũng là một chi tiết lạ lẫm và không được ưa chuộng vào thời đó.

Bản vẽ phác của chiếc Royal Oak được thực hiện bởi Gerald Genta

Gerald Genta

Chiếc Royal Oak đã từng khiến Audemars Piguet suýt bị phá sản, nhưng bây giờ bộ sưu tập này lại là dòng sản phẩm chính của thương hiệu. Và cha đẻ của thiết kế này chính là Gerald Genta - một nhà thiết kế tài ba, viên ngọc quý của ngành đồng hồ.

Di sản của Gerald Genta

Gerald Genta và những tác phẩm để đời của ông

Gerald Genta vào thời điểm đó đã có tới 20 năm làm việc tại Audemars Piguet. Ông là một người phụ tá đắc lực của Giám đốc Audemars Piguet thời đó - Georges Golay. Không có một chiếc đồng hồ nào được sản xuất nếu không có sự đồng ý của Genta và Golay. Trước buổi họp tại Basel vào năm 1971, Gerald Genta đã nhận được một cuộc gọi của Georges Golay, yêu cầu ông phác thảo một chiếc đồng hồ thể thao thép dành cho thị trường Italia, và phải hoàn thành trong 24 giờ.

Bản phác thảo duy nhất của chiếc Royal Oak

Và chính tại đêm hôm đó, chiếc Royal Oak đã ra đời. Thiết kế này lấy cảm hứng từ một ký ức thời Gerald Genta còn nhỏ, khi ông thấy người thợ lặn đội mũ bảo hiểm, khóa chặt nó với quần áo bằng gioăng cao su và 8 chiếc đinh vít. “Nếu thiết kế này bảo vệ được người ta khỏi bị dính nước, thì chắc chắn sẽ bảo vệ được cho chiếc đồng hồ” - Ông nghĩ như vậy.

Bộ đồ lặn thời xưa

Sự tích của cái tên Royal Oak

Bản vẽ của Gerald Genta sau đó được giới thiệu với đối tác của Audemars Piguet - doanh nhân người Italia Carlo De Marchi. Tuy nhiên, vào thời điểm ban đầu, tên của chiếc đồng hồ này không phải là Royal Oak. Trên thực tế, họ gọi thiết kế này là Safari, lấy cảm hứng từ những chuyến phiêu lưu tại hoang mạc châu Phi.

Sau đó, chính Carlo De Marchi là người đổi tên chiếc đồng hồ thành Royal Oak. Lý do của điều này không được tiết lộ, nhưng có lẽ dựa theo một trong hai sự kiện lịch sử sau:

  • Đầu tiên là biệt danh của vua King Karl II - người đã trốn trong vỏ cây sồi để không bị chặt đầu vào năm 1651. Cái cây đó sau này đã được mọi người gọi với cái tên “Royal Oak”.

  • Lý do thứ hai liên quan tới Hải quân Anh Quốc. Từ năm 1664, đội chiến thuyền của họ được gọi với cái tên “HMS Royal Oak”. Những chiếc thuyền này có thân tàu bọc thép, và có lẽ De Marchi đã liên tưởng tới chất liệu làm nên chiếc đồng hồ.

Khởi đầu thất bại

Mặc dù sở hữu cái tên sáng tạo và nghe rất kêu, nhưng điều đó không làm cho Royal Oak thành công. Quá lớn, quá lạ và có mức giá 3650 Franc quá đắt vào thời điểm đó, Audemars Piguet đã phải rất chật vật để bán những chiếc Royal Oak.

Phải mất tới ba năm để thương hiệu có thể bán được 4000 chiếc đồng hồ tại hai thị trường Thụy Sĩ và Italia. Đây là một con số cực thấp, và suýt khiến cho Audemars Piguet phá sản.

Thành công đến một cách bất ngờ

Mọi chuyện thay đổi vào năm 1974, khi chiếc Royal Oak lấp ló bên dưới bộ vest của Giovanni Agnelli. Nói qua một chút về Giovanni Agnelli, ông là ông tổ của gia tộc Agnelli - một đế chế hùng mạnh tại Italia. Gia tộc này sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như FIAT, Ferrari và cả đội bóng Juventus lừng danh.

Giovanni Agnelli

Giovanni Agnelli

Giovanni Agnelli là một người có tầm ảnh hưởng cực kỳ to lớn, và chiếc đồng hồ được ông sử dụng tất nhiên cũng thu hút được rất nhiều sự chú ý. Gần như ngay lập tức, doanh số của Royal tăng vọt, và Audemars Piguet nhờ đó cũng học được cách sử dụng đại sứ thương hiệu để quảng cáo cho sản phẩm của mình.

Trong những chiến dịch của họ, Audemars Piguet tập trung vào việc quảng bá về khía cạnh kỹ thuật và thiết kế của chiếc đồng hồ. Đây là một thiết kế cực kỳ phức tạp, và phải những đại lý có thợ đồng hồ đạt tiêu chuẩn mới có thể bảo dưỡng được cho Royal Oak. Để biết được thiết kế của Royal Oak phức tạp như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua một chiếc Royal Oak đang có mặt tại Gia Bảo Luxury.

Mẫu đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak Grey 15450ST.OO.1256ST.02

Gerald Genta là người đầu tiên sử dụng thép không gỉ trên một chiếc đồng hồ cao cấp, và điều này rất phù hợp với một chiếc đồng hồ thể thao có khả năng chống nước. Tuy nhiên, Audemars Piguet không coi thép là thứ vật liệu rẻ tiền, mà họ chăm chút nó giống như vàng khối vậy. Điều này đòi hỏi rất nhiều công sức, vì thép có độ cứng cao hơn vàng rất nhiều.

Nhìn vào bộ vỏ của chiếc Royal Oak này, ta có thể thấy được bề mặt thép được hoàn thiện chải xước cực đều và mịn. Đối lập với đó là những góc cạnh được vát chéo 45 độ, đánh bóng sáng như gương.

Ngày nay, với công cụ và máy móc hiện đại, điều này không còn quá khó khăn. Tuy nhiên, vào thời điểm 50 năm trước, đây quả thật là một thử thách với Favre & Perrier (thương hiệu chuyên chế tác vỏ vàng khối). Favre & Perrier chính là những người thực hiện đơn đặt hàng của Audemars Piguet, biến bức vẽ của Gerald Genta thành sản phẩm thực tế.

Đội ngũ quản lý của Favre & Perrier thậm chí đã quá chán nản với điều này, và cố thuyết phục Gerald Genta rằng việc hoàn thiện trên thép là điều bất khả thi. Tuy nhiên, chính sự kiên định và có phần cố chấp của Gerald Genta đã đem lại thành công cho Royal Oak.

Phần thân vỏ và mặt đáy được dập từ một miếng thép duy nhất để tăng tối đa khả năng chống nước. Tiếp đó, lớp gioăng cao su sẽ được đặt vào rãnh khía ở phía dưới vành bezel, và cuối cùng chi tiết này sẽ được vặn chặt bằng 8 chiếc đinh vít.

Không chỉ vậy, bộ dây của Royal Oak cũng là thiết kế cực kỳ đặc biệt và siêu phức tạp. độ rộng của dây sẽ có khác biệt với từng mắt dây, giảm dần từ phần càng nối dây cho tới bộ khóa bướm. Thép là một chất liệu rất khó chế tác, cộng với việc mỗi mắt dây lại có kích thước khác nhau, nên tất cả công đoạn lắp ráp hay điều chỉnh đều phải làm thủ công.

Cuối cùng là thiết kế mặt số Tapisserie của dòng Royal Oak. Chi tiết này cũng phải thực hiện thủ công bằng một thiết bị có tuổi đời hàng trăm năm. Để cho ra được một mặt số đồng hồ, người thợ phải mất nhiều giờ làm việc liên tục.

Theo thời gian, bộ sưu tập Royal Oak đã có những bước phát triển vượt bậc. Có rất nhiều phiên bản với tính năng đa dạng được giới thiệu, từ Giờ thế giới, Lịch vạn niên cho tới Tourbillon hay bộ máy siêu mỏng. Audemars Piguet cũng giới thiệu nhiều phiên bản với kích thước khác nhau, dành cho tất cả mọi người. Ví dụ điển hình chính là chiếc Audemars Piguet Royal Oak Grey 15450ST.OO.1256ST.02, có bộ vỏ 37mm theo thiên hướng Unisex, phù hợp với cả nam giới và nữ giới. 

Kiến thức
Đồng hồ Audemars Piguet