Đồng hồ Đức và Thụy Sĩ khác nhau ra sao: Lựa chọn A. Lange & Sohne hay Patek Philippe?

Đồng hồ Đức và Thụy Sĩ khác nhau ra sao: Lựa chọn A. Lange & Sohne hay Patek Philippe?

Thu Huyền

29/03/2021
Kiến thức
Đồng hồ A. Lange & Sohne
Đồng hồ Patek Philippe

Trong thế giới đồng hồ, chúng ta có một số cường quốc không thể không kể đến như Thụy Sĩ, Đức, Nhật và cả Mỹ. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại thì Nhật và Mỹ không tập trung đi theo hướng đồng hồ cao cấp mà thiên về phân khúc bình dân hơn, hướng tới nhiều người chơi hơn. Do đó, khi nhắc tới đồng hồ cơ học chất lượng thì người ta sẽ nhớ tới Thụy Sĩ và Đức.

Là hai đất nước có chung đường biên giới, hẳn nhiên Thụy Sĩ và Đức cũng có nhiều điểm tương đồng trong thiết kế đồng hồ. Tuy nhiên, mỗi đất nước sẽ có một cách tiếp cận riêng, tạo nên đặc trưng riêng cho sản phẩm của mình. Để khách hàng của Gia Bảo Luxury hiểu rõ hơn về những sự khác biệt này, ta hãy cùng tìm hiểu hai chiếc đồng hồ Patek Philippe Grand Complications 5216RA. Lange & Sohne Lange 1 Tourbillon "Homage to F. A. Lange".

Có thể nói rằng cả hai thiết kế này đều là siêu phẩm với giá trị rất cao, được chế tác từ những chất liệu đặc biệt và sở hữu cơ chế Tourbillon phức tạp. Tuy nhiên, nhìn qua thì ta cũng thấy được những nét riêng của từng chiếc đồng hồ, và những nét riêng này cũng thể hiện được phong cách của từng đất nước.

Được rồi, bây giờ ta sẽ bắt đầu với bộ vỏ đồng hồ

So sánh thiết kế vỏ đồng hồ Đức và đồng hồ Thụy Sĩ

Khi nhắc tới nước Đức, thường người ta sẽ nghĩ tới những sản phẩm cơ khí chắc chắn, bền bỉ. Đúng vậy, đồ Đức thì phải bền, còn ngoại hình thì có thể hơi thô cứng một chút xíu. Điều này cũng đúng với đồng hồ Đức. Hãy nhìn vào chiếc Lange 1 mà xem, bạn sẽ thấy những đường nét vuông thành sắc cạnh, đường thẳng là phải thẳng, đường tròn là phải đúng hình tròn.

Người Đức thích sự thẳng thớm, vậy nên họ ít dùng những đường vát, những góc cạnh bị bóp không theo tỉ lệ vàng. Chi tiết thể hiện rõ nhất điều này chính là phần càng nối dây được thiết kế thẳng thớm. Tất nhiên, các góc cạnh cần được vát nhẹ để không tạo nên cạnh sắc gây nguy hiểm cho người dùng, nhưng những đường vát này cũng phải thẳng và phẳng.

Ngược lại, đồng hồ Thụy Sĩ có nhiều sự uyển chuyển hơn. Với chiếc 5216R, ta có thể thấy rằng vành bezel hơi có thiết kế vát chéo chứ không phải phẳng như chiếc Lange 1. Phần càng nối dây cũng được tạo hình uốn lượn mềm mại hơn, hơi bóp ở phần đầu thay vì tạo thành một đường thẳng tắp như chiếc Lange 1.

Về chất liệu chế tác, có vẻ người Đức lại thích sự đa dạng hơn so với người Thụy Sĩ. Thường thì đồng hồ Thụy Sĩ được chế tác với vỏ thép, vỏ vàng khối thì chia thành 3 loại là vàng vàng, vàng hồng và vàng trắng. Tông màu thường sẽ được cố định, không có nhiều sai số nếu so sánh giữa các thương hiệu.

Tuy nhiên, với người Đức, ta có thêm nhiều sắc độ hơn như vàng đỏ, vàng “mật ong” (Honey Gold). Ví dụ, với chiếc A. Lange & Sohne Lange 1 Tourbillon "Homage to F. A. Lange", chúng ta có bộ vỏ bằng Honey Gold với tông màu vàng chanh lạ mắt. Tất nhiên, không chỉ màu sắc vàng thay đổi mà tính chất của vàng cũng được nâng cấp - cứng cáp hơn và chống va chạm tốt hơn.

Đó mới là bộ vỏ thôi, người Đức còn sở hữu thêm một chất liệu chế tác máy hết sức đặc biệt. Gia Bảo Luxury sẽ giới thiệu tới các bạn trong phần sau của bài viết.

Sự khác biệt giữa phong cách thiết kế máy

Như chúng ta đã đề cập ở phần đầu, người Đức sở hữu một nền công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp cơ khí. Chất lượng của xe hơi Đức thì khỏi phải nói rồi, và bộ máy đồng hồ Đức cũng tương tự. Ta có thể nói rằng tinh hoa của đồng hồ Đức chính là bộ máy, với từng chi tiết được hoàn thiện tới tầm tinh xảo.

Tôi không nói rằng Patek Philippe kém trong việc hoàn thiện máy đồng hồ. Cả hai thương hiệu đều xử lý TẤT CẢ các linh kiện máy của họ thủ công, kể cả những bộ phận không thể quan sát được. Tuy nhiên, Patek Philippe lại quá an toàn và bị bó vào trong khuôn khổ, không thật sự bứt phá như A. Lange & Sohne.

Với các bộ máy của Patek, ta thấy rõ nét truyền thống được thể hiện. Khung máy phải là vân tròn Perlage, cầu nối phải là vân Cotes de Geneve, lỗ ốc phải được vát góc, đầu ốc phải được đánh bóng… Tuy nhiên, sau khi nhìn hàng trăm chiếc Patek, hẳn bạn sẽ thấy điều này được lặp lại quá nhiều, đẹp thì có đẹp đấy, tinh xảo thì có tinh xảo đấy nhưng lại bị nhàm chán.

Với A. Lange & Sohne, ta có thể thấy sự biến tấu đa dạng hơn rất nhiều. Đặc biệt, các bộ máy của họ sẽ có phần cầu nối bánh xe cân bằng được chạm khắc thủ công. Mỗi một bộ máy lại có một loại hoa văn khác nhau, khiến cho bộ máy đồng hồ trở nên sống động và có hồn hơn rất nhiều.

Lange cũng sử dụng nhiều đinh ốc xanh trên bộ máy, giúp tạo thêm điểm nhấn cho thiết kế. Tuy nhiên, đinh ốc xanh không chỉ có tác dụng “làm màu”, mà việc nung đinh ốc sẽ làm cho khả năng chịu lực của các chi tiết nhỏ bé này được tăng cao, giúp bộ máy có độ bền cao hơn nhiều.

Về chất liệu chế tác, Lange thường hay sử dụng “Bạc Đức” - một chất liệu ban đầu màu trắng bạc, nhưng sau này đổi dần qua màu vàng chanh hết sức độc đáo và có thành phần chính là Nickel. Điểm đáng nói ở đây là những người nghệ nhân sẽ hoàn thiện trực tiếp trên Bạc Đức, chứ không có một lớp mạ phía trên như các bộ máy thông thường.

Cách bố trí cơ chế Tourbillon của Patek và Lange cũng có nhiều điểm khác biệt. Giống các thương hiệu hiện đại, A. Lange & Sohne sẽ khoe ra cơ chế này trên mặt số để cho mọi người đều thấy được. Patek Philippe thì không, họ chỉ đặt Tourbillon ở mặt đáy đồng hồ, không thể hiện lên mặt số.

Lý do của điều này bắt nguồn từ thời xưa, khi chất bôi trơn vẫn chưa được hoàn thiện. Lúc đó, nếu dầu bôi trơn tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời thì sẽ dẫn tới việc khô dầu, khiến bộ máy thiếu đi sự trơn tru. Tất nhiên, ngày nay thì mọi chuyện đã khác, nhưng Patek Philippe thì vẫn thích đi theo phong cách cũ, không thể hiện cơ chế Tourbillon ra ngoài.

Về thiết kế mặt số

Về mặt số, người Thụy Sĩ lại được đánh giá cao hơn so với người Đức. Đúng như những gì chúng ta nói, người Đức thích sự đơn giản, nhưng nhiều người lại cho rằng đơn giản như thế thì hơi nhàm chán.

Thường thì mặt số của đồng hồ Đức chỉ được làm nhám và có tông màu trắng đơn giản. Tuy nhiên, tới thời hiện đại thì họ cũng đã thay đổi khá nhiều. Những thiết kế giờ được sử dụng nhiều phương pháp hơn như Guilloche hay các đường vân xước. Phần cửa sổ ngày cỡ lớn cũng là một đặc trưng nổi bật, và chi tiết này được đóng khung vàng cực kỳ trang trọng.

Dòng Lange 1 của A. Lange & Sohne luôn có thiết kế mặt số lệch, với mặt số giờ phút được đặt qua một bên, nhường vị trí cho các tính năng phụ. Ngược lại, mặt số của Patek Philippe thì trình bày theo đúng phong cách thường thấy với mặt số ở chính giữa, kèm thêm các mặt số phụ bên trong.

Về độ hoàn thiện của cọc số hay kim que, hai thương hiệu này đều đạt được độ tinh xảo cao và cực kỳ đẹp mắt. Mỗi thương hiệu lại có một phong cách riêng, như Lange thì hay dùng kim Alpha, còn Patek thì hay dùng kim Dauphine. Nói tóm lại, với những thương hiệu đồng hồ cao cấp thì ta hoàn toàn có thể an tâm về chất lượng, độ tinh xảo của từng chi tiết.

Kết luận

Như ta đã thấy, mỗi một đất nước sẽ có một phong cách chế tác riêng, được định hình tùy theo văn hóa quốc gia. Theo bạn, mẫu đồng hồ nào chiếm được cảm tình của bạn nhiều hơn? Hãy cho Gia Bảo Luxury biết được ý kiến của bạn nhé!

Kiến thức
Đồng hồ A. Lange & Sohne
Đồng hồ Patek Philippe