Review đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak Perpetual Calendar

Review đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak Perpetual Calendar

Nguyễn Tân

16/04/2019
Review
Đồng hồ Audemars Piguet

Kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 1972, bộ sưu tập Royal Oak đã có rất nhiều sự phát triển theo từng thời kỳ. Những phiên bản Royal Oak khác nhau cũng đã được Audemars Piguet giới thiệu, đó có thể là những phiên bản đơn giản với 3 kim 1 lịch, hoặc đó cũng có thể là một thiết kế siêu phức tạp như mẫu Lịch vạn niên mà Gia Bảo Luxury muốn giới thiệu tới các bạn trong ngày hôm nay.

Phiên bản thép mang mã hiệu 26574ST.OO.1220ST.02

Mẫu đồng hồ Royal Oak Perpetual Calendar được giới thiệu với nhiều phiên bản khác nhau: thép,vàng hồng và vàng vàng 18K, mỗi phiên bản lại có nhiều loại mặt số khác nhau. Và với mỗi phiên bản chúng ta lại có một mã hiệu riêng, nhưng con số được sử dụng chung đó chính là "26574".

Phiên bản vàng vàng có mã hiệu 26574BA.OO.1220BA.01

Phiên bản mới này cũng có kích thước lớn hơn để phù hợp với xu hướng hiện đại (41mm thay vì 39mm). Tuy nhiên, độ mỏng quen thuộc của dòng AP Royal Oak vẫn được giữ nguyên (9.5mm), giúp chiếc đồng hồ có được vẻ thanh lịch cần thiết. Và với sự tăng kích thước vỏ đồng hồ, mặt số bên trong cũng có sự thay đổi tương ứng.

Cùng là họa tiết Tapisserie, nhưng với mỗi phiên bản Royal Oak (và cả Royal Oak Offshore) thì chúng ta sẽ có một loại Tapisserie khác nhau. Những phiên bản Royal Oak ban đầu sở hữu mặt số Petite Tapisserie, còn phiên bản 26574 này sử dụng mặt số Grande Tapisserie. Những chiếc Royal Oak Offshore sẽ dùng mặt số Mega Tapisserie với vân lớn hơn rất nhiều, nhưng chúng ta sẽ khoan nói về điều đó tại đây.

Sự thay đổi họa tiết nền trên mặt số cũng làm bộ mặt chiếc đồng hồ trở nên cân đối và dễ nhìn hơn. Điều này đặc biệt quan trọng, do đây là một chiếc đồng hồ Lịch vạn niên. Như chúng ta đã biết, một chiếc đồng hồ Lịch vạn niên sẽ có rất nhiều mặt số phụ chỉ Ngày/Tháng/Năm hay Lịch tuần trăng, Năm nhuận. Đặc biệt hơn, mẫu 26574 còn có thêm cây kim chỉ số tuần trong năm, điều này làm cho mặt số càng có thêm nhiều chi tiết hơn.

Để giải thích một cách rõ ràng hơn cho những bạn đọc, tôi sẽ nêu từng tính năng của chiếc đồng hồ tương ứng với các vị trí trên mặt số:

  • Mặt số góc 12h: Kim trắng chỉ năm nhuận, kim vàng/thép chỉ tháng
  • Mặt số góc 3h: Lịch ngày
  • Mặt số góc 6h: Lịch tuần trăng
  • Mặt số góc 9h: Lịch thứ
  • Vòng tròn xung quanh mặt số: Số tuần trong năm

Có một chi tiết tôi đặc biệt thích trên Lịch tuần trăng của chiếc đồng hồ này, đó chính là việc sử dụng đá Aventurine làm nền cho tính năng thiên văn. Đá Aventurine có nhiều tạp chất nhỏ lấp lánh, giống như những vì sao trên bầu trời vậy, điều này khiến việc sử dụng đá Aventurine trên Lịch tuần trăng là cực kỳ hợp lý.

Thông thường, tính năng Lịch vạn niên sẽ chỉ đi kèm với những mẫu đồng hồ thanh lịch và cổ điển, ít khi được sử dụng trên đồng hồ thể thao. Tuy nhiên, Audemars Piguet vẫn có thể dung hòa hai thái cực tưởng chừng như trái ngược nhau này. Nói đi cũng phải nói lại, Royal Oak vốn được thiết kế bởi thiên tài Gerald Genta, người đã thổi hồn vào rất nhiều mẫu đồng hồ nổi tiếng tới tận ngày nay.

Mặt đáy đồng hồ được làm bằng kính Sapphire, giúp người dùng có thể quan sát toàn cảnh vẻ đẹp của bộ máy Calibre 5134. Bộ máy tự động này được cải tiến từ Calibre 2120, vốn được sử dụng trên các mẫu Lịch vạn niên trước đây. Tất nhiên, đường kính của bộ máy mới sẽ có thay đổi để phù hợp với bộ vỏ 41mm, nhưng độ dày thì vẫn rất ấn tượng (4.31mm với một bộ máy tự động). 

Tấm khung chính của bộ máy được hoàn thiện với những đường vân tròn, trong khi đó toàn bộ cầu nối lại được vát cạnh và hoàn thiện bởi vân Cotes de Geneve. Rotor được làm từ vàng 22K và chạm khắc Logo cùng tên thương hiệu Audemars Piguet. Phần rìa ngoài của Rotor lại có những họa tiết Tapisserie, chi tiết quá quen thuộc trên mặt số của những chiếc Royal Oak. Được lắp ráp từ 374 linh kiện (trong đó có 38 chân kính), bộ máy Calibre 5134 có thể hoạt động liên tục 40 giờ, với tần số 19,800 vph.

Phiên bản vàng khối có trọng lượng hơn 200g, đem lại cảm giác rất đầm tay và khác biệt hoàn toàn với phiên bản thép. Bộ dây Royal Oak quả thực có thể được coi như một tác phẩm nghệ thuật, với sự hài hòa trong từng đường chải xước. Bộ dây được cố định bởi khóa bướm với hai nút bấm, bên trong được khắc hai chữ AP viết tắt của tên thương hiệu.

Khi lên tay, chiếc Audemars Piguet Royal Oak Perpetual Calendar 41mm sẽ tạo cảm giác nhỏ hơn một chút so với kích thước trên giấy tờ, và ngang với một chiếc đồng hồ 40mm (như của Rolex chẳng hạn). Về độ hoàn thiện, Royal Oak vẫn nằm trong top những thiết kế được chăm chút tỉ mỉ nhất, và theo ý tôi thì người anh em Nautilus của Patek Philippe cũng phải kém một bậc (nếu như bạn chưa biết thì Royal Oak và Nautilus đều được thiết kế bởi Gerald Genta). Những đường vân xước và cạnh đánh bóng được đan xen lẫn nhau, tạo độ tương phản và điểm nhấn cần thiết.

Quý khách có nhu cầu đặt hàng vui lòng tham khảo tại đây.

Review
Đồng hồ Audemars Piguet